Saturday, February 16, 2008

Du học: tìm và thuê nhà ở

Du học: tìm và thuê nhà ở
Wednesday, February 06, 2008

Phạm Khoa


Thuê nhà ở là một trong những chi phí lớn nhất của của du học sinh ở Mỹ. Mặc khác, chỉ khi ổn định được một chỗ ở thoải mái, bạn mới có thể yên tâm học tập và sinh hoạt. Vì vậy, đây là vấn đề bạn cần đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu thông tin và tìm kiếm.

CHỖ Ở TẠM THỜI

Nếu quyết định sống ngoại trú, bạn không nên ràng buộc mình ngay vào một hợp đồng thuê nhà khi chưa đặt chân đến Mỹ, vì lúc đó bạn chưa nhìn thấy căn nhà định thuê thật sự ra sao. Bạn nên tìm một chỗ ở tạm thời trước, trong khi tìm nhà thuê.

Nguồn thông tin tốt nhất giúp tìm chỗ ở tạm thời là thông qua trang web của trường, phần hướng dẫn dành cho sinh viên nước ngoài, và liên lạc trực tiếp với người tư vấn sinh viên nước ngoài của trường. Những lựa chọn phổ biến, theo mức độ từ tốn kém nhất trở xuống, là khách sạn, motel, những nhà nghỉ có giá thuê hàng tuần, nhà trọ của các hội thanh niên tôn giáo, và các khu nhà quốc tế của trường hoặc có hợp đồng với trường.

SỐNG NỘI TRÚ

Hầu hết các trường đều có khu ký túc xá dành cho sinh viên, gọi là dorms. Những khu này ở trong khuôn viên trường hay gần trường và thông thường chỉ dành cho sinh viên chưa lập gia đình. Lợi ích của việc sống trong dorms là sinh viên có cơ hội gặp gỡ và sinh hoạt chung với các sinh viên khác. Các ký túc xá thường có phòng sinh hoạt chung là nơi sinh viên có thể cùng nhau tụ tập để xem ti vi, chơi games, hay gặp gỡ trò chuyện. Ngoài ra, vì dorms thường ở sát bên trường, sinh viên tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, đồng thời thuận tiện ở lại thư viện trường làm việc hoặc học khuya. Ở một số trường, dorms còn cung cấp xe buýt nhỏ đi lại từ các khuông viên của trường, tới dorms và các chợ thức ăn phổ biến, theo những giờ cố định hàng ngày. Nhờ hệ thống an ninh của trường, sống trong dorms cũng làm tăng mức an toàn cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày.

Điểm bất lợi chủ yếu của dorms là chi phí thường cao hơn sống ngoại trú, và, thông thường dorms dành cho sinh viên cử nhân không cung cấp bếp riêng và nhà tắm riêng trong căn hộ, mà bạn sẽ dùng chung bếp và nhà tắm với các sinh viên trong cùng tầng hoặc khu nhà ở. Ví dụ về chi phí, ở các trường của University of California, tiền thuê trong dorms có thể lên đến $11,500 một năm học 9 tháng, nhưng tiền thuê căn hộ sống ngoại trú chỉ khoảng $7,000-$8,000 một năm học.

Thông thường thì nhu cầu thuê phòng trong dorms rất lớn, nên có được một phòng trong khu này không phải là dễ. Một số trường dành ưu tiên chỗ ở trong dorms cho sinh viên năm thứ nhất.

Nếu muốn sống nội trú, ngay khi bạn nhận được thư nhận học của trường muốn chọn, hãy gửi ngay bản ghi danh xin ở nội trú. Có thể bạn sẽ phải đóng trước một khoản tiền đặt cọc. Nên lưu ý rằng đóng tiền đặt cọc có nghĩa là bạn đã cam kết sẽ sống trong dorms và trả tiền thuê đều đặn cho cả năm học hoặc một học kỳ, tuỳ hợp đồng của trường.

Nhiều phòng trong dorms thường có hai sinh viên trở lên cùng ở. Bạn cùng phòng có thể là một sinh viên cùng giới mà bạn không quen biết. Nếu gặp khó khăn trong việc thu xếp cuộc sống với bạn cùng phòng, bạn có thể liên hệ với người phụ trách về dorms để trình bày tình hình và nhờ giúp đỡ đổi phòng hoặc đổi bạn cùng phòng.

SỐNG NGOẠI TRÚ

Nếu không tìm được chỗ ở trong dorms, hoặc muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể tìm một nơi ở ngoại trú. Có mấy lựa chọn khác nhau: thuê một căn hộ riêng, cùng sinh viên khác thuê một căn hộ và chia xẻ tiền thuê, thuê phòng sống chung trong một gia đình ở địa phương, hoặc sống trong các khu chung cư hợp tác – “Co-op Housing.”

Thuê căn hộ

Các căn hộ cho thuê có hai loại: có sẳn trang thiết bị nội thất, giá cao hơn, hoặc chưa trang bị nội thất. Nếu không phải định ở tạm thời một học kỳ hay vài tháng trước khi tìm chỗ thích hợp hơn, bạn nên thuê căn hộ không có trang bị nội thất. Nếu nhu cầu giản dị, bạn có thể trang bị dần dần, với chi phí thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch để thuê phòng có trạng bị nội thất. Những nguồn để mua trang bị nội thất giá thấp là trang web đấu giá ebay.com và các tiệm bán hàng Goodwill ở địa phương (Goodwill chuyên bán quần áo và mọi đồ dùng trong nhà, cả cũ lẫn mới, do người dân dư dùng muốn hiến tặng; lợi nhuận cửa hàng Goodwill được dùng cho mục đích từ thiện). Trang bị nội thất của cửa hàng IKEA, có mặt nhiều nơi trên nước Mỹ, cũng có giá rất phải chăng, nhưng đòi hỏi bạn có một số kỹ năng lắp ráp sơ đẳng.

Muốn thuê căn hộ trong các khu căn hộ lớn, bạn thường phải có sẳn số an sinh xã hội và tiểu sử tín dụng, điều mà sinh viên nước ngoài lần đầu tiên đến Mỹ không thể có, ít nhất là đến năm học thứ hai. Tuy nhiên, trang web hướng dẫn của trường thường có một danh sách các khu căn hộ có giàn xếp đặc biệt để cho sinh viên nước ngoài thuê, thường với giá cao hơn thị trường một chút. Bạn cũng có thể theo dõi các quảng cáo tìm bạn cùng phòng dán trong trường hoặc đăng trên trạng mạng hướng dẫn về housing của trường để đến ở chung với một sinh viên Mỹ đã đứng tên thuê căn hộ.

Sống cùng một gia đình ở địa phương

Một lựa chọn khác là sống chung với một gia đình ở địa phương, trả tiền thuê cho họ. Cách này thường là cách tiết kiệm nhất, vì tiền thuê rất thấp. Sống với một gia đình ở địa phương là một cách hữu hiệu để hoà nhập vào đời sống văn hoá ở nơi học, mặc dù bạn sẽ phải đổi lại một số tự do trong sinh hoạt hàng ngày.

Co-op housing

Các co-ops là một lựa chọn giá thấp khác. Co-op là một căn nhà lớn trong đó một nhóm sinh viên sống cùng nhau, cùng chia sẻ các chi phí và công việc nhà. Các sinh viên lần lượt thay phiên nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh trong nhà. Nhờ sự góp tay của sinh viên trong việc nấu ăn, quản trị và chăm sóc nhà co-op mà sống trong co-op có giá thuê thật thấp. Giá thuê co-op bao gồm cả tiền ăn và chi phí điện, gas, nước.

Năm thứ hai trở đi sẽ dễ dàng hơn

Từ năm thứ hai trở đi, sau khi bạn đã có một số bạn bè “hợp rơ,” các bạn cũng có thể cùng nhau thuê một căn hộ 2, 3 phòng ngủ hoặc một căn nhà để cùng sống chung và chia xẻ tiền thuê nhà. Cách này vừa bảo đảm tự do riêng tư, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa giúp phát triển một tình bạn lâu dài trong một nhóm “hợp rơ.” Ngoài ra, nếu bạn biết cách xây dựng tiểu sử tín dụng, từ năm thứ hai bạn cũng có nhiều lựa chọn về nhà thuê hơn. Về tiểu sử tín dụng, xem bài: 'Credit score là gì? Là Tiền!'.

Tìm nhà cho thuê

Để tìm nơi ở ngoại trú, trước tiên nên tham khảo trang web về housing của trường. Trang web này thường cung cấp một danh mục những nơi muốn cho sinh viên thuê nhà, cũng như những sinh viên đang muốn tìm bạn cùng phòng. Bạn cũng có thể đăng tải rao vặt tìm bạn cùng phòng trên trang web này. Bạn có thể mở rộng diện tìm kiếm ra mục rao vặt của các tờ báo địa phương. Nhiều tờ báo đã có trang web, giúp bạn ngồi tại trường tìm kiếm thay vì phải đi mua báo.

Việc chọn chỗ ở đi liền với quyết định về việc đi lại. Nếu bạn học ở các thành phố lớn có hệ thống xe điện ngầm tốt, bạn có thể chọn lựa đi lại hoàn toàn bằng xe điện ngầm, nhưng phải sống trong dorms hoặc ở các khu căn hộ nằm trên các tuyến xe điện ngầm. Đổi lại, nếu học ở các thành phố khác, bạn cần mua xe hơi hoặc sống tương đối gần trường để đi lại bằng xe buýt. Đi xe buýt mất nhiều thời gian hơn đi xe điện ngầm, nên không tiện nếu nhà ở quá xa trường. Nếu ở xa trường, bạn phải dự tính việc mua xe hơi trong kế hoạch tài chính. Một chiếc xe cũ còn dùng tốt có giá khoảng $4,000 đến $8,000. Tiền xăng mỗi tháng khoảng $100 đến $200 tuỳ mức độ đi lại. Nếu không định mua xe, hãy chọn một chỗ ở gần cả chợ thức ăn và trường của bạn.

Nếu thuê căn hộ bên ngoài, bạn có thể sẽ phải trả các chi phí điện, điện thoại, gas cho lò sưởi, thêm vào tiền thuê nhà, mỗi tháng khoảng $70 đến $150.

Hợp đồng thuê

Khi quyết định thuê một căn hộ, bạn phải ký hợp đồng thuê, thường gọi là “lease” hoặc “rental agreement.” Hợp đồngthường đòi hỏi bạn phải tiếp tục thuê trong một thời gian xác định, từ một học kỳ đến một năm học, tuỳ chính sách của bên cho thuê. Không nên thuê nếu bạn không dự định ở đến hết khoảng thời gian ghi trong hợp đồng, vì bạn có thể phải chịu tiền phạt hoặc tiền thuê cho cả thời hạn hợp đồng nếu dọn đi trước hạn. Trước khi dọn vào, bạn có thể được yêu cầu đóng tiền đặt cọc và tiền ứng trước một tháng thuê nhà.

Trước khi ký hợp đồng thuê, hãy chắc rằng bạn hiểu và nắm rõ về hợp đồng đó. Bạn không cần phải ký ngay. Nếu bạn có nghi ngờ gì, hãy liên hệ với văn phòng chuyên môn tại trường của bạn để nhờ tư vấn.

Khi dọn vào nhà, hãy kiểm tra mọi thứ cẩn thận: vòi nước, toilet, máy lạnh, ổ khoá? Có chỗ nào rỉ nước không? Tường có chỗ bể, nứt không? Mọi thứ sạch sẽ không? Khi bạn dọn vào, chủ cho thuê thường đưa cho bạn một cái mẫu để bạn đánh dấu vào đó những chỗ cần kiểm tra trong nhà. Bạn hãy kiểm tra và đánh dấu chỗ nào hư hại. Nếu cần sửa chữa, yêu cầu sữa chữa, nếu không cần hoặc không thể, bạn cần giao mẫu này cho chủ nhà, và lưu một bản, để làm bằng chứng việc hư hỏng đã xảy ra trước khi bạn dọn vào. Khi hết hợp đồng và bạn dọn đi, chủ nhà có thể trừ tiền đặt cọc của bạn về các hư hại mà họ cho là do bạn gây ra.

Hãy giữ trong người tên và số điện thoại của người quản lý khu nhà cho thuê. Bạn sẽ có nhiều dịp cần gọi họ trong thời gian ở đó, khi xảy ra bất kỳ trục trặc nào trong căn nhà bạn thuê.

Những nguồn thông tin hữu ích giúp tìm nhà cho thuê

www.apartments.com rao vặt cho thuê nhà khắp Hoa Kỳ
http://www.easyroommate.com tìm bạn cùng phòng khắp Hoa Kỳ
www.housing101.com rao vặt cho thuê nhà khắp Hoa Kỳ
www.studentrent.com rao vặt cho thuê nhà dành cho sinh viên khắp Hoa Kỳ
www.internhousing.com rao vặt cho thuê nhà ngắn hạn khắp Hoa Kỳ
www.sublet.com rao vặt cho thuê nhà ở nhiều vùng khắp Hoa Kỳ


Những Bài Liên Quan:

* Tìm Hiểu Luật Di Trú: Du học (Friday, December 28, 2007 2:31:43 PM)
Du học sinh Hoa Kỳ được chia ra làm 3 diện: Diện thứ nhất là diện M-1, tức là du học sinh về Thực Hành. Diện thứ hai là diện J-1, tức là du học sinh dưới chương trình trao đổi của hai nước. Diện thứ ba thông dụng nhất là diện F-1, tức là du học sinh về Lý Luận.
* Du học: qua ải di trú visa F-1 (Tuesday, January 08, 2008 11:41:34 AM)
Visa F-1 là loại visa phổ biến nhất cấp cho sinh viên vào Mỹ du học. Điều kiện đầu tiên để bạn bắt đầu thủ tục xin visa là phải được một trường ở Mỹ nhận học. Tuy nhiên, được nhận học không phải đương nhiên sẽ được cấp visa. Bài viết này giới thiệu thủ tục xin visa F-1 và những điều sinh viên nên biết để tăng cơ hội được chấp thuận cấp visa.
* Du học sinh muốn làm việc trong thời gian ở Mỹ (Wednesday, January 23, 2008 11:53:30 AM)
Luật di trú hạn chế sinh viên du học ở Mỹ làm việc. Tuy nhiên, sinh viên vẫn có thể làm việc ở một mức độ nào đó, sau khi đã hoàn tất một số thủ tục di trú nhất định. Bài này giới thiệu những trường hợp được làm việc và thủ tục liên quan cho du học sinh theo visa F-1. Có 6 trường hợp sinh viên được làm việc trong khi đang học, hoặc một thời gian có hạn định sau khi học xong: 1. Làm việc trong phạm vi trường; 2. Làm việc ngoài phạm vi trường: khó khăn kinh tế nghiêm trọng; 3. Thực tập tự nguyện; 4. Thực tập theo giáo trình; 5. Làm việc cho một Tổ chức Quốc tế được công nhận; 6. Chuyển sang visa H-1 B.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=73457&z=150