Thursday, January 29, 2009

Ý kiến hữu ích cho các sinh viên muốn du học Hoa Kỳ

Ý kiến hữu ích cho các sinh viên muốn du học Hoa Kỳ (phần cuối)
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009-01-27

Bên cạnh du học tự túc, du học học bổng, còn có một chương trình đi du học Hoa Kỳ khác mà các học sinh Việt Nam có thể đăng ký. Đó là chương trình “Trao đổi văn hoá”.

Courtesy Vietnamnet

Tìm hiểu về các đại học Mỹ

Chương trình “Trao đổi văn hoá”.

Chương trình này dành cho đối tượng nào? Thời hạn kéo dài bao lâu? Muốn tham gia đăng ký thế nào? Điều kiện ra sao? Những thuận lợi và khó khăn thường gặp, cùng những lời khuyên dành cho các bạn sẽ được anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam (IVCE), chia sẻ qua câu chuyện với Trà Mi trong phần cuối loạt bài 4 kỳ về du học Mỹ:

Điều kiện tham gia bao gồm học sinh phải có học lực trên 7,0. Thứ hai, học sinh phải thi bài kiểm tra tiếng Anh SLEP, đạt trên 75% số điểm. Đó là hai điều kiện chính để nộp đơn tham gia vào chương trình này.
Trần Thắng

Trần Thắng: Chương trình Trao đổi văn hoá dành cho học sinh lớp 10-12, nhưng đa phần bây giờ dành cho học sinh lớp 11. Thời gian học kéo dài 10 tháng.

Trà Mi: Muốn tham gia thì đăng ký như thế nào, những điều kiện ra sao, thưa anh?

Trần Thắng: Điều kiện tham gia bao gồm học sinh phải có học lực trên 7,0. Thứ hai, học sinh phải thi bài kiểm tra tiếng Anh SLEP, đạt trên 75% số điểm. Đó là hai điều kiện chính để nộp đơn tham gia vào chương trình này.

Trà Mi: Bài kiểm tra SLEP đăng ký thi ở đâu ạ?

Trần Thắng: SLEP là bài thi quốc tế giống như TOEFL nhưng dành cho học sinh. Ở Sài Gòn và Hà Nội có những trung tâm du học. Trong đó có một số trung tâm họ có chương trình Trao đổi văn hoá này. Những trung tâm này họ sẽ tổ chức các kỳ thi SLEP để học sinh đăng ký thi ngay tại trung tâm.

Trà Mi: Có những điều kiện nào khác kèm theo chẳng hạn như về tài chánh?

Trần Thắng: Các lệ phí điều hành chương trình là khoảng 7 ngàn đô la Mỹ.

Trà Mi: Nghĩa là học sinh phải tự túc khoản chi phí này?

Trần Thắng: Vâng, đây là lệ phí để họ tổ chức, trang trải cho những người điều phối viên ở Mỹ và cả ở Việt Nam để đưa, đón học sinh qua. Lệ phí này không bao gồm vé máy bay. Học sinh phải tự lo tiền vé. Trong thời gian học 10 tháng ở Mỹ, gia đình Mỹ nhận đỡ đầu sẽ lo mọi chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm y tế….Học sinh Việt Nam chỉ đóng 7 ngàn đô lệ phí điều hành chương trình thôi.

Học sinh phải tự lo tiền vé. Trong thời gian học 10 tháng ở Mỹ, gia đình Mỹ nhận đỡ đầu sẽ lo mọi chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm y tế….Học sinh Việt Nam chỉ đóng 7 ngàn đô lệ phí điều hành chương trình thôi.
Trần Thắng

Trà Mi: Gọi là chương trình « Trao đổi văn hoá » thì ngược lại gia đình của người đi học cũng phải đón nhận một học sinh Mỹ đến Việt Nam học hay chăng?

Trần Thắng: Chương trình này đi một chiều, từ Việt Nam sang Mỹ thôi. Một tổ chức đứng ra tìm các gia đình Mỹ đủ tiêu chuẩn để nhận sinh viên từ các nước ngoài vào học, trong đó có Việt Nam.

Trà Mi: Những thuận lợi và khó khăn thường thấy khi học sinh tham gia vào chương trình “Trao đổi văn hoá” là gì, thưa anh?
Lợi và bất lợi của chương trình “Trao đổi văn hoá”

Trần Thắng: Chương trình này có nhiều thuận lợi và ngược lại cũng có nhiều bất lợi cho học sinh.

Thuận lợi thứ nhất là học sinh Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với học sinh Mỹ và phương pháp học tập tại trường phổ thông trung học Hoa Kỳ. Tiếp theo là học sinh có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn và tăng khả năng tự lập, tự tin.

Hầu hết học sinh Việt Nam phụ thuộc vào gia đình. Cha mẹ lo hết, họ không tự lo gì cả. Khi họ một mình qua Mỹ phải tự lo mọi việc. Như thế chương trình này sẽ giúp rất nhiều cho học sinh về lĩnh vực này. Ngoài ra, học ở trường phổ thông trung học ở Mỹ là một bước đệm trước khi vào đại học Mỹ. Hơn nữa, học sinh có thể được những thư giới thiệu tốt từ các thầy giáo dạy mình.

Ngược lại, những bất lợi có thể nảy sinh là học sinh lớp 11 ở Việt Nam sang Mỹ đúng ra phải vào học lớp 12, nhưng một số trường Mỹ không cho học lớp 12, bắt buộc học sinh phải học lớp 11.

Trong trường hợp này mình phải liên lạc với người tư vấn của trường trung học Mỹ mà mình đăng ký tới học để xin thi một số môn miễn phí. Sau đó mình đựơc vào học lớp 12. Hoặc giả có nhiều trường cho mình học lớp 12 nhưng không cấp bằng phổ thông trung học. Trường hợp đó, học sinh phải thi lấy bằng GED, tương đương với bằng phổ thông trung học, thi tại Mỹ luôn.

Các môn thi của GED cũng không khó lắm. Khi mình làm hồ sơ nhập học đại học người ta cũng chưa đòi hỏi bằng GED, nên khi nào mình có thời gian thuận tiện nhất thì mình thi cũng đựơc, không nhất thiết phải thi sớm trong lúc mình học lớp 12 tại Mỹ.

Trường hợp nữa là nếu học xong lớp 11 mà họ không cho mình học tiếp lớp 12 thì mình có thể xin học lớp 12 tại một trường khác, hoặc có thể mình xin học ở nước khác như Úc, Canada, Singapore, rồi sau đó mình chuyển về đại học ở Hoa Kỳ cũng được.

Có luật là học sinh dưới 18 tuổi muốn học ở Mỹ thì phải có người đỡ đầu. Theo chương trình Trao đổi văn hoá thì người ta hợp đồng bảo trợ 1 năm thôi. Mình muốn một năm thứ hai nữa thì mình phải nói chuyện với gia đình đỡ đầu. Nếu họ đồng ý nhận đỡ đầu thêm một năm nữa thì trường tiếp tục cho học tiếp 1 năm nữa.

Trà Mi: Tức là học sinh có cơ hội kéo dài thêm 1 năm nữa.

Trần Thắng: Vâng, thêm một năm thứ hai, nếu mình sang học lớp 11 thì có cơ hội học thêm lớp 12. Tuỳ trường hợp mà mình giải quýêt vấn đề.

Trà Mi: Nhưng nhất thiết là ngay sau khi kết thúc việc học, học sinh phải trở về nước phải không ạ?

Có luật là học sinh dưới 18 tuổi muốn học ở Mỹ thì phải có người đỡ đầu. Theo chương trình Trao đổi văn hoá thì người ta hợp đồng bảo trợ 1 năm thôi. Mình muốn một năm thứ hai nữa thì mình phải nói chuyện với gia đình đỡ đầu. Nếu họ đồng ý nhận đỡ đầu thêm một năm nữa thì trường tiếp tục cho học tiếp 1 năm nữa.
Trần Thắng

Trần Thắng: Đúng rồi vì visa họ cấp chỉ 12 tháng. Sau khi học xong 1 năm, học sinh phải về lại Việt Nam. Sau đó mới quay lại học tiếp lớp 12 hay đại học tuỳ trường hợp.

Trà Mi: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn học sinh-sinh viên Việt Nam đang có hoài bão dự định đi du học ở Mỹ không?

Trần Thắng: Theo tôi, học sinh muốn đi du học Hoa Kỳ, trước hết các bạn phải có tính tự tin, tự lập, và kỷ luật rất cao. Trong khi đó đa phần học sinh Việt Nam đựơc gia đình lo hết giấy tờ. Nếu các bạn để gia đình lo thì qua đây sẽ gặp nhiều khó khăn. Gia đình chỉ là yếu tố phụ giúp mình thôi. Chính bản thân mình phải tự lo mọi việc.

Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian và những thông tin rất cần thiết dành cho các bạn học sinh-sinh viên Việt Nam.

Trần Thắng: Cảm ơn Trà Mi. Nhân mùa học 2009, xin chúc các bạn học sinh-sinh viên Việt Nam đạt nhiều thành công trong vấn đề du học Hoa Kỳ.

Loạt bài 4 phần về du học Hoa Kỳ mà chúng tôi liên tiếp gửi đến quý vị trong các chương trình phát thanh gần đây bàn về 4 chủ điểm chính, bao gồm:

-Những bước chuẩn bị bắt buộc

-Những điều cần biết để chọn trường hợp lý, vừa sức

-Kinh nghiệm xin học bổng và các học bổng hiện hành dành cho sinh viên Việt Nam

-Chương trình Trao đổi văn hoá

Toàn bộ được lưu trữ trên trang web www.rfa.org để quý vị nghe và xem lại. Các thông tin liên quan đến du học Mỹ có đăng trên trang web của Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam (IVCE), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp thông tin về du học Hoa Kỳ, nhằm giúp phát huy trao đổi văn hoá, giáo dục Việt-Mỹ.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tips-for-students-planning-to-study-abroad-in-the-us-part4-01272009134942.html

Wednesday, January 21, 2009

Ý kiến hữu ích cho các sinh viên muốn du học Hoa Kỳ

Ý kiến hữu ích cho các sinh viên muốn du học Hoa Kỳ
2009-01-21

Số lượng du sinh cũng như nhu cầu du học của học sinh-sinh viên Việt Nam ngày một tăng cao và đặc biệt nhắm đến Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.

photo courtesy www.ivce.com

anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam (IVCE)

Thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế cho thấy số du sinh Việt theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ tính từ năm 2000 đến năm ngoái đã tăng hơn 4 lần.
Những điều căn bản phải chuẩn bị

Nhằm mang đến các bạn trẻ những lời khuyên hữu ích của giới chuyên môn từ khâu chuẩn bị hồ sơ, chọn trường, đến tìm kiếm các nguồn học bổng, Trà Mi thực hiện loạt bài nhiều kỳ với sự cộng tác của anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam (IVCE), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp thông tin về du học Hoa Kỳ, giúp phát huy trao đổi văn hoá, giáo dục Việt-Mỹ.

Thứ nhất là các bài thi quốc tế bắt buộc bao gồm điểm SAT cho chương trình cử nhân và kỹ sư; điểm GRE cho chương trình thạc sĩ và tiến sĩ; điểm GMAT cho chương trình quản trị kinh doanh MBA.

Trong phần một sau đây, anh Thắng sẽ trình bày về các điểm chính cần phải chuẩn bị cho bộ hồ sơ đi du học Mỹ:

Trần Thắng: Thứ nhất là các bài thi quốc tế bắt buộc bao gồm điểm SAT cho chương trình cử nhân và kỹ sư; điểm GRE cho chương trình thạc sĩ và tiến sĩ; điểm GMAT cho chương trình quản trị kinh doanh MBA.

Thứ hai là điểm học tại các trường đại học ở Việt Nam phải dịch ra tiếng Anh. Thứ ba là thư cá nhân. Thứ tư là thư giới thiệu. Thứ năm là kinh nghiệm việc làm và nghiên cứu. Thứ sáu phần phụ là về sinh hoạt xã hội. Thứ bảy là điểm TOEFL.

Trà Mi: Anh vừa nói về SAT, GRE, GMAT, những bài thi này từng loại có nội dung như thế nào, thưa anh?

Trần Thắng: SAT gồm toán và anh văn, thi ba phần. Mỗi phần 800 điểm.

GRE bài thi gồm 3 phần: toán, tiếng Anh, và viết. Mỗi phần 800 điểm. Ngoài ra còn có GRE subject tức là chuyên ngành chỉ 1 môn như lý, hoá…Mỗi phần tối đa là 990 điểm.

GMAT cũng gồm 3 phần: toán, anh văn, viết phân tích. Toán và viết phân tích tổng số điểm là 800. Riêng phần viết khoảng 6 điểm.
Điểm yêu cầu tối thiểu đối với từng bài thi

Trà Mi: Điểm yêu cầu tối thiểu đối với từng bài thi, ít nhất thí sinh phải đạt bao nhiêu mới được xem là đạt yêu cầu?

Thang điểm của mình không theo hệ thống GPA của Mỹ là 4.0, vì thế mình cần phải viết thêm một lá thư giải thích bảng điểm của mình thuộc loại trung bình, khá, hay giỏi. Nhiều khi 8 điểm đối với Việt Nam là điểm giỏi nhưng tính tương đương với Mỹ 80% chỉ là điểm khá thôi

Trần Thắng: SAT tối thiểu phải đạt 1700 điểm. Ai muốn tìm học bổng thì phải đạt trên 1900.

GRE toán phải tối thiểu 700, anh văn tối thiểu 450, viết tối thiểu phải đạt từ 3 hoặc 4 điểm trên 6.

GMAT tối thiểu cho hai phần toán và verbal khoảng 550, phần viết khoảng 3,5 hay 4 điểm trên 6.

Điểm càng cao thì cơ hội tìm học bổng càng nhiều hơn.

Trà Mi: Thế còn danh mục thứ hai mà anh vừa liệt kê, những thành tích học tập của ứng viên khi còn ở Việt Nam, thì như thế nào?

Trần Thắng: Thang điểm của mình không theo hệ thống GPA của Mỹ là 4.0, vì thế mình cần phải viết thêm một lá thư giải thích bảng điểm của mình thuộc loại trung bình, khá, hay giỏi. Nhiều khi 8 điểm đối với Việt Nam là điểm giỏi nhưng tính tương đương với Mỹ 80% chỉ là điểm khá thôi. Cho nên mình cần thư bổ sung để giải thích rõ điểm học tại Việt Nam. Ngoài ra, nếu học sinh giỏi có thành tích thi chuyên của trường, của thành phố, quốc gia, hay quốc tế nên bổ sung vào để hồ sơ của mình được phong phú hơn.
Các loại thơ giới thiệu

Trà Mi: Còn phần thư từ bao gồm thư cá nhân, thư giới thiệu, anh có điều gì muốn chia sẻ, lưu ý với các bạn thêm không?

Trần Thắng: Thư cá nhân rất quan trọng. Đa phần sinh viên Việt Nam mình không để ý đến phần này. Thư này rất ngắn, trình bày đầy đủ tư tửơng của người sinh viên về việc học, chọn ngành, đam mê, cống hiến…Chỉ khoảng 500 chữ thôi, mình phải tập trung viết thế nào để gây ấn tượng. Tại vì người xét hồ sơ họ xét hàng ngàn lá thư. Cái nào không ấn tựơng thì họ sẽ bỏ qua một bên. Như vậy khả năng họ chọn mình sẽ thấp hơn.

Muốn viết thư cá nhân hay thì các bạn sinh viên Việt Nam nên tham khảo các thư mẫu trên các websites hay website của IVCE để xem cách viết.

Còn thư giới thiệu cũng là trở ngại thứ hai đối với sinh viên Việt Nam. Thư này do những người thầy hay sếp viết. Đa phần ở Việt Nam không có thủ tục viết thư này, nên những người được yêu cầu không biết viết như thế nào cho đáp ứng yêu cầu của các trường đại học Hoa Kỳ. IVCE chúng tôi có một dàn bài mẫu. Khi học sinh Việt Nam muốn nhờ thầy hay sếp viết thư giới thiệu nên đưa dàn bài mẫu này cho họ biết để họ viết đúng ý tưởng các trường bên Mỹ cần.

Thư cá nhân rất quan trọng. Đa phần sinh viên Việt Nam mình không để ý đến phần này. Thư này rất ngắn, trình bày đầy đủ tư tửơng của người sinh viên về việc học, chọn ngành, đam mê, cống hiến…

Vấn đề thứ hai là về Anh ngữ. Đa phần các giáo sư hay sếp ở Việt Nam tiếng Anh không tốt, viết thư tiếng Anh không được. Vì thế họ có thể viết bằng tiếng Việt rồi nhờ những trung tâm dịch thuật dịch ra dùm.

Trà Mi: Làm sao vẫn đảm bảo được tính bảo mật của bức thư?

Trần Thắng: Lá thư này hoàn toàn do người thầy giáo thực hiện, học sinh không được đụng tới. Học sinh nhờ người thầy viết thư giới thiệu bằng tiếng Việt rồi người thầy mang đến địa điểm dịch thuật dịch ra tiếng Anh. Cuối cùng, người thầy bỏ vào bì thư dán lại và ký tên rồi mới đưa cho học sinh.

Trà Mi: Điểm kế tiếp về kinh nghiệm xã hội, nghiên cứu. Sinh viên học sinh Việt Nam hơi lơ là đối với vấn đề này…

Trần Thắng: Sinh viên Việt Nam hơi thụ động, thiếu thực tế, chỉ lo học chứ không lo đi tìm việc làm, nghiên cứu. Khoảng năm 1-2 đại học nên bắt đầu tiếp xúc với thầy giáo để xin vào làm trong phòng thí nghiệm, hay tham gia các công trình nghiên cứu, làm thiện nguyện cho các tổ chức NGO để lấy kinh nghiệm chẳng hạn.
Bài thi trình độ tiếng Anh TOEFL?

Trà Mi: Anh liệt kê điểm cuối cùng là điểm bài thi trình độ tiếng Anh TOEFL trong khi nhiều người rất coi trọng bài thi này. Theo anh nói, vậy điểm TOEFL có thật sự cần thiết hay chăng?

Trần Thắng: Đối với tôi, TOEFL là yếu tố cuối cùng vì nó chỉ là chứng chỉ xác nhận bạn đủ khả năng tiếng Anh để đựơc phép học ở Mỹ mà thôi.

Trà Mi: Nhưng khả năng Anh ngữ mới là điểm cần thiết để đi du học?

Trần Thắng: Vâng, cần thiết thôi nhưng ví dụ như điểm SAT của bạn càng cao thì cơ hội tìm học bổng càng nhiều hơn. Ngược lại đối với TOEFL, điểm càng cao cũng như vậy thôi chứ không ảnh hưởng gì đối với hồ sơ nhập học.

Trà Mi: Nhưng nếu không có khả năng Anh ngữ giỏi vẫn có thể đi du học được chăng? Có cách nào khác?

Còn bây giờ có rất nhiều trường hợp sinh viên Việt Nam chưa có điểm TOEFL nộp đơn vào trường đại học Mỹ xin học ESL trước.

Trần Thắng: Có nhiều cách. Mình có thể vào trường đại học Hoa Kỳ xin học tiếng Anh ESL trước. Sau đó, mới vào học chương trình chính khoá. Ngày xưa có điểm TOEFL mới được trường nhận và xin được visa đi du học. Còn bây giờ có rất nhiều trường hợp sinh viên Việt Nam chưa có điểm TOEFL nộp đơn vào trường đại học Mỹ xin học ESL trước.

Trà Mi: Xin hỏi thời gian nộp đơn vào các trường đại học Mỹ thông thường bắt đầu khi nào?

Trần Thắng: Thường thời gian nộp đơn là từ tháng 1-2. Một số trường sớm hơn là khoảng tháng 12. Một số trường muộn hơn kéo dài đến tháng 3. Muốn có một bộ hồ sơ hoàn hảo thì học sinh-sinh viên Việt Nam cần chuẩn bị trong khoảng thời gian một năm.

Trà Mi: Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi nói chuyện hôm nay.

Vừa rồi là Trà Mi và anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam (IVCE), trao đổi về những điều kiện bắt buộc khi chuẩn bị lập hồ sơ du học Mỹ.

Giữa vô số các sự lựa chọn đa dạng của hệ thống giáo dục Mỹ, làm thế nào để lựa chọn cho mình một trường thích hợp, vừa sức?

Chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc của các bạn trong buổi phát thanh kế tiếp. Mời quý thính giả đón nghe.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tips-for-students-planning-to-study-abroad-in-the-us-part-1-01212009141422.html