Friday, September 10, 2010

Hướng Dẫn Đặc Biệt Cho Du Khách Đến Mỹ, Muốn Đi Học

Hướng Dẫn Đặc Biệt Cho Du Khách Đến Mỹ, Muốn Đi Học Việt Báo Thứ Sáu, 9/3/2010, 12:00:00 AM

Hướng Dẫn Đặc Biệt Cho Du Khách Đến Mỹ, Muốn Đi Học

Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc 1-800-411-0495.
Sở di trú Hoa Kỳ vừa phổ biến một thông báo lưu ý những du khách muốn xin học ở Hoa Kỳ. Điểm chính của bản thông báo nhắc nhở này là du khách không được phép nhập học trong khi vẫn còn nằm trong diện chiếu khán (visa) công việc hoặc chiếu khán du khách B-1 hay B-2. Việc nhập học với diện B-1/B-2 sẽ vi phạm diện chiếu khán. Những người trong diện B-1 hay B-2 vi phạm diện chiếu khán phi di dân bằng cách xin học, sẽ không hợp lệ gia hạn chiếu khán loại B, hoặc chuyển sang diện du học F-1 hoặc diện học nghề M-1. Không có trường hợp ngoại lệ.
Nếu quý vị hiện đang có chiếu khán phi di dân B-1 hay B-2 và muốn xin đi học, qúy vị có thể nộp đơn xin chuyển sang diện du học F-1, nếu:
- Qúy vị chưa nhập học ở bất cứ trường nào.
- Diện B-1/B-2 của qúy vị chưa hết hạn.
- Qúy vị không làm việc bất hợp pháp.
Để chuyển diện chiếu khán phi di dân B-1/B-2 sang chiếu khán du học F-1, qúy vị phải nộp Đơn Xin Chuyển Diện/Gia Hạn Diện Phi Di Dân (Mẫu đơn I-539), đính kèm lệ phí và những giấy tờ được yêu cầu theo bản hướng dẫn.
Nếu quý vị nhập học trước khi Sở di trú chấp thuận Đơn I-539, qúy vị sẽ không hợp lệ chuyển diện chiếu khán phi di dân B sang diện du học F.
Nếu qúy vị đang xin gia hạn thời gian cư trú với diện B-1/B-2 nhưng đã đi học, Sở di trú không thể chấp nhận việc gian hạn diện B-1/B-2 vì đã vi phạm diện cư trú.
Sở di trú khuyến khích các sinh viên có dự tính kể trên hãy làm việc thật sát với các nhân viên trường muốn theo học để phối hợp chính xác thời gian nộp đơn xin chuyển diện và nộp đơn xin học.
Trong các tin tức liên hệ, chúng tôi mới được biết Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn đã từ chối tái cấp chiếu khán du học cho một số sinh viên vừa trở về Việt Nam thăm gia đình. Các sinh viên này cho biết các nhân viên lãnh sự khuyên họ nên ở lại Việt Nam để hoàn tất việc học. Khi chúng tôi hỏi Lãnh sự về việc này thì họ nói rằng chưa bao giờ có những lời khuyên như thế với sinh viên du học. Chúng tôi khuyên bất cứ sinh viên nào muốn trở về Việt Nam thăm gia đình nên đoan chắc rằng họ có những bằng chứng tốt cho thấy chưa hề vi phạm bất cứ điều lệ nào liên hệ đến chiếu khán du học ở Hoa Kỳ.
Hỏi Đáp Di Trú:
- Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu một trường cho phép du khách có chiếu khán B-2 được theo học trước khi Sở di trú chấp thuận việc chuyển diện từ B-2 sang diện chiếu khán du học F1?
- Đáp: Trong trường hợp này, trường học đã phạm lỗi, nhưng người sinh viên phải lãnh hậu quả. Sở di trú sẽ không chấp thuận việc chuyển diện nếu du khách diện B-2 đã nhập học trước khi Sở di trú chấp thuận đơn xin chiếu khán sinh viên.
- Hỏi: Một người sinh viên nên có bằng chứng nào khi nộp đơn xin gia hạn chiếu khán du học tại Lãnh sự ở Sài Gòn?
- Đáp: Trước khi trở về Việt Nam thăm gia đình, người sinh viên nên có Đơn I-20 còn hiệu lực, và nên có một lá thư của trường học xác minh rằng người sinh viên đang theo học toàn thời gian và không dính dáng đến việc đi làm bất hợp lệ.
Quý độc giả muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc liên lạc với một văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888 (Văn Phòng mới số 779 trên đường Story Road), Sacramento (916) 393-3388 hay Email: info@rmiodp.com.

http://www.vietbao.com/?ppid=75&pid=59&nid=163703

Friday, July 16, 2010

Sáu cách giảm chi phí đại học

Sáu cách giảm chi phí đại học
Saturday, July 10, 2010 Bookmark and Share





Nguyễn Xuân

Chắc chắn sẽ có nhiều bạn sinh viên nghĩ rằng mình đã cắt giảm đến mức tối đa những gì có thể giảm được. Nhưng nếu bạn thật sự đặt ưu tiên chi dùng trong đời sống sinh viên và sẵn sàng hy sinh bớt một số tiện nghi trong lúc này bạn vẫn có thể giảm chi hơn nữa và tránh được cả chục ngàn dollars tiền nợ khi học xong.

Bán xe

Ðây là một đề nghị thường gây sốc cho nhiều bạn sinh viên. Nhưng nếu bạn làm con tính, với một chiếc xe mới trung bình trả từ $300 đến $350 mỗi tháng, cộng thêm với tiền bảo hiểm xe, mỗi năm bạn sẽ chi ra tối thiểu từ $6,000 đến $7,000. Ðó là chưa kể tiền xăng, tiền bảo trì, thay dầu nhớt, thay bánh xe, v.v... cùng là những thứ tiền khác từ những hoạt động có liên hệ đến cái xe. Bạn hãy nhớ lại lời khuyên “càng có xe lại càng hay đi,” quả đúng như vậy phải không. Không có xe, bạn sẽ phải sắp xếp việc di chuyển của mình một cách kỹ lưỡng hơn và do đó có thể dành nhiều thời giờ hơn cho việc học.

Cũng có những bạn khác nói rằng cần có xe để đi làm. Nhưng hãy nghĩ, nếu không có xe, bạn có cần phải đi làm không? Hay là bạn đi làm chỉ để trả các chi phí liên hệ tới cái xe? Nên xem xét lại điều này và coi là bạn có thể dùng hệ thống chuyên chở công cộng hay các phương cách khác (thí dụ như carpool) hay không.

Giảm tiền phòng

Bạn hãy tìm cách giảm tiền chi vào phòng ở. Nhiều bạn không dư dả gì nhưng vẫn muốn ở căn phòng lớn nhất hoặc mới nhất trong dorm. Có những trường sẽ giảm giá tiền phòng nếu bạn ở cùng với roomate hay không có những tiện nghi như máy lạnh. Ðôi khi bạn cũng được trừ tiền nếu giúp làm công việc vặt như giữ vệ sinh hay giúp điều hành dorm qua vai trò Dorm RA. Nếu bạn ở ngoài trường, nên dành thời giờ để ý xem có khu nào có thể ở được mà giá rẻ hơn không? Nên nhớ an toàn là điều cần lưu ý khi bạn đi tìm nơi ở mới.

Giảm tiền ăn

Không, lời khuyên này không phải là nhịn ăn mà về cách thức bạn chi tiền cho ăn uống. Không kể các bạn trong hoàn cảnh “sáng mì gói, tối gói mì”, có những bạn sẽ tiết kiệm được khá tiền và tránh được việc lên cả chục pounds nếu nhìn kỹ nhu cầu ăn uống của mình và giữ kỷ luật cá nhân trong vấn đề này. Khi mua phiếu ăn ở trường (meal plan) chỉ mua vừa đủ. Giảm bớt việc ăn uống tại cafeteria. Các món ăn ở đây không thể nào rẻ và đúng khẩu vị bằng món tự làm lấy. Uống nước lạnh thay vì soda. Bạn sẽ vừa tiết kiệm được tiền vừa không lên cân lại tránh được những nguy cơ bệnh tật khác.

Giảm tiền học

Bạn nên để ý đến các trường đại học cộng đồng để đến học những lớp căn bản. Tín chỉ ở nơi đây thường đều được các trường đại học bốn năm chấp nhận mà giá rẻ hơn nhiều. Ở một số trường bạn có thể được discount nếu bạn lấy nhiều credit trong khóa học. Nếu không giảm được tiền thì bạn cũng có thể giữ đúng hay thâu ngắn thời gian học bốn năm. Hãy nghĩ đến số tiền lương bạn kiếm được mỗi năm khi ra trường để thấy rằng kéo thêm một semester hay cả một năm học là phí không biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian.

Mua hàng bán sale

Tất cả mọi thứ bạn cần có, từ quần áo, sách vở, máy móc, dụng cụ, giải trí... ngay cả thực phẩm, đều có thể mua đồ cũ hoặc mua sale. Nên để ý đến các nguồn tin tức về sale. Những nơi như Goodwill hay các tiệm thrift store khác, bạn có thể tìm thấy những món chưa dùng bao nhiêu mà giá lại rẻ hơn giá chính thức ở cửa hàng từ 70% đến 80%.

Trả bill đúng hạn

Các tấm check bị bounce hay bị phạt vì không trả tiền đúng hạn là những bàn tay vô hình móc tiền của bạn. Ðó là chưa kể bị bad credit nữa. Nếu mua sắm bằng credit card, bạn hãy cố trả hết trong tháng. Trả từng chút có thể nâng trị giá thật của món hàng lên gấp nhiều lần vì phải trả tiền lời. Hãy dùng debit card nếu được vì bạn chỉ có thể chi tiêu trong khả năng của mình.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115837&z=56

Tuesday, July 6, 2010

Du Học Làm Thêm

Du Học Làm Thêm

Vi Anh
Sinh viên học sinh du học “con cháu các cụ cả” của Đảng Nhà Nước CS Hà nội đâu cần làm thêm. Tiền bạc của nổi của chìm do hối mại quyền thế, tham ô tham nhũng, rút ruột công trình, dĩ công vi tư thu vén cuối, của cha mẹ chuyển qua đường dây lậu hay hợp pháp quá nhiều. Đóng học phí là chuyện nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Du hí, ăn chơi xả láng, mút mùa lệ thủy cả đời cũng không hết, cần gì phải đi làm bớt, làm thêm. Nhưng sinh viên, học sinh từ Việt Nam Cộng sản du học ngoại quốc không phải chỉ có “con cháu các cụ cả”, mà có không ít người con cháu của thường dân, bà con với người Việt tỵ nạn CS định cư các quốc gia tiền tiến ở Tây Âu, Bắc Mỹ, và Úc châu. Số sinh viên học sinh du học dân thường này cần làm việc thêm để đỡ cho cha mẹ nội cái việc gởi tiền đóng học phí là đã phải chạy “mệt nghỉ” rồi. Và ở ngoại quốc, nhứt là ở Mỹ, du học mà làm thêm cũng lắm công phu và trở ngại.
Một, làm thêm cho trường mình rất tiện nhưng rất khó kiếm việc làm, trong trường việc ít người đông. Làm việc trong trường thì tiện lợi cho sinh viên lắm. Cơ hội tốt và nhiều để thực tập tiếng Anh từ thực tiễn của cuộc sống. Cái thói quen dạy Anh văn, Pháp văn ở VN là dạy những danh từ cao, những câu dài, có thể dịch hiến pháp Mỹ được. Nhưng khi cần một chuyện dễ để sống hàng ngày như mướn mua một cái hot dog có thoa hột cải cho nồng và ớt cho cay ăn cho đã miệng VN, thì lựa chữ thông thường, làm câu ngắn gọn theo kiểu học sinh Mỹ thường nói, thì ú ớ hoài, chữ không đến câu không ra. Làm trong trường còn có cái lợi khác. Sau hay trước giờ học có thể đi làm, đỡ tốn xăng nhớt, thời gian chạy đi làm, chỉ đi một lần vào trường để vừa làm vừa học.
Nhưng việc làm trong trường rất khó kiếm, tiếng Anh phải khá, ít nhứt qua một năm rưỡi học tiếng Anh dự bị xong trong trường đại học cộng đồng qua cái lớp ESL có thể giao cảm với người khác được rồi, trường mới cho làm work study. Ít có sinh viên VN nào được work study trong mùa học hay năm học đầu. Ngoài ra kiếm việc làm trong trường một phần cũng do hên xui, quen biết chỉ dẫn nhưng căn bản nhứt phải có đủ điều kiện nào đó để người ta mướn mình. Làm “tutor” trong “Math, Language, Computer Department” thì phải tới gặp sếp ở đó nhiều lần, rồi phải thi một cái test để có thể làm công việc đó. Nản chí hay tự ái chờ chực là thua ngay. Nhưng lương thường là lương tối thiểu của luật lao động. Sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 1 tuần 20 giờ thôi.
Hai, làm thêm ở ngoài, còn gian nan, nhiêu khê hơn nữa. Có việc làm thêm ở ngoài thì lợi tức thêm, và thời giờ cố định cho việc làm và việc học. Nhiều cơ hội hoà nhập với xã hội ngoại quốc, kiện toàn thêm Anh văn, thêm bè bạn, hiểu thêm cuộc sống của xã hội mình đến du học, rất có lợi để sau này liên kết làm ăn hay có chồng hay vợ ở lại luôn để lập nghiệp, được vô quốc tịch theo người hôn phối nều muốn.
Nhưng mấy năm gần đây, kinh tế Tây Phương nhứt là Mỹ suy thoái, người địa phương còn thất nghiệp tỷ lệ cao kỷ lục, sinh viên du học càng khó kiếm việc làm. Đối với du học sinh VN, thường muốn làm cho người Việt trả tiền mặt, nhưng điều đó trái luật, it cơ sở nào nếu không muốn nói là không cơ sở đàng hoáng nào dám mướn. Cũng khó làm lấy tiền mặt cho người Tàu hoặc người Mễ. Còn người Mỹ thì vô phương, không chịu trả tiền mặt. Nếu đặc biệt được làm “chui” cho người Việt “quen thân”, lãnh tiến mặt thì bị “ép giá lương tiền” kinh khủng. Một sinh viên VN nói trên RFA, “Mình có một kinh nghiệm chia sẻ là có một lần mình đi nộp đơn ở hãng Việt Nam thôi, đi nộp đơn để bán bánh thôi, thế là ông chủ mời vô, mình không nói là mình du học, nhưng lúc mình làm xong bữa đó, mình nói là "Con là du học, làm ơn chú trả tiền mặt cho con nhé. Con không nhận check được". Qua ngày sau ổng mới nói là "Thôi, chỗ chú không mướn con được vì con du học không được đi làm".
Theo qui chế sinh viên du học ở Mỹ, đi làm chui cũng nguy hiểm. Một du học sinh trong thời gian đang theo học, nếu bị sở di trú phát hiện đi làm việc ở bên ngoài bất hợp pháp, thì lần đầu bị cảnh cáo, nếu còn tiếp tục bị phát hiện đi làm ở ngoài thì sẽ bị lệnh trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ, trong vòng 2 năm không được phép trở lại Hoa Kỳ để du học nữa. Nhưng thực tế, sở di trú bây giờ quá bận ít kiểm soát, nhưng khi cẩn vẫn có thể giở qui chế ra là kẹt lớn cho sinh viên đi làm.
Năm 2009, có hơn 13.000 học sinh Việt Nam sang Mỹ du học. Trừ “con cháu các cụ cả” du học để du hí, họ thừa tiến bạc nên không cần đi làm. Đa số còn lại phải chạy vại đi làm thêm nhẹ gánh cho cha mẹ. Học phí đại học Mỹ có thể nói giá cao nhứt thế giới. Mỗi sinh viên du học thực sự là một cảnh đời, một tương lai ở một mức độ nào đó đóng góp cho đất nước và nhân dân VN mà chế độ, nhà cầm quyền là những người có lợi trước nhứt, đặc biệt là đối với sinh viên du học tự túc.
Nhưng nói tới rồi cũng phải nói lui. Thục dân Pháp có một câu “con đường du học Pháp là con đường chống Pháp”. Thực tế cho thấy những người chống thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà VN, thành phần khởi động, vận động, đa số là người không học chương trình Pháp ở Đông Dương thì cũng du học Pháp. Có lẽ thấy cái đó nên Đại sứ Mỹ Michael Michalak mới nói theo đà du học Mỹ này một hai thập niên nữa dân Việt du học Mỹ sẽ chiếm phần lớn chánh phủ của Hà nội.
Rất tiếc chưa thấy các cơ quan, đoàn thể, hội đoàn và cộng đồng của người Việt hải ngoại tại các nước nhiều sinh viên học sinh VN đến du học, có kế hoạch thanh vận và sinh viên vận. Toà Đại sứ CS Hà nội ở Mỹ đã có rồi đó, đã lập Hội Thanh Niên Sinh Viên VN còn có tên Hội Thanh Niên và Lưu Học sinh để đoàn ngũõ hóa sinh viên du học đang học hay tốt nghiệp rồi mà lén ở lậu lại thành đội quân thứ năm. Hẳn nhiên đội quân thứ năm này của CS Hà nội không phải để giúp cho người Việt tỵ nạn CS đâu, mà để câu móc hay lũng đoạn hàng ngũ sinh viên học sinh con em của người Việt tỵ nạn CS./ ( Vi Anh)
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=161264

Tuesday, June 29, 2010

Sinh viên Việt du học tự tử tại Westminster

Sinh viên Việt du học tự tử tại Westminster
Tuesday, June 29, 2010 Bookmark and Share




Linh Nguyễn - Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Một sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ treo cổ tự tử hôm 21 tháng 6, tại căn nhà anh thuê, trong thành phố Westminster.

Theo cơ quan khám nghiệm tử thi Quận Cam (OC Sheriff Coroner) xác nhận với Người Việt, nạn nhân tên là Nguyễn Mạnh Cường, 19 tuổi, sinh viên đang theo học tại Ðại Học Golden West Community College, treo cổ tự tử chết tại một căn nhà thuộc thành phố Westminster trong tuần qua.



Căn nhà ở Westminster, nơi người ta tìm thấy Nguyễn Mạnh Cường, 19 tuổi đã treo cổ tự tử,
cảnh sát Westminster phát giác vào ngày 22 tháng 6, 2010. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Thanh niên này tự tử, bằng cách treo cổ, lúc 7 giờ sáng, ngày 21 tháng 6, 2010 tại căn nhà trên đường Stoneridge, Westminster. Nạn nhân ở với một người dì.” Ông Bruce Lyle của cơ quan này cho biết như vậy.

Mặt khác, sau khi tìm hiểu từ Sở Cảnh Sát Westminster, Nghị Viên Tyler Diệp Miên Trường thông báo cho Người Việt, rằng: “Cảnh sát Westminster phát giác vụ này vào ngày 22 tháng 6, nhưng kết quả khám nghiệm cho biết nạn nhân đã chết hơn một ngày trước đó.”

“Nguyễn Mạnh Cường dùng khăn lông quấn bên ngoài một sợi dây điện và tự treo cổ, trong nhà xe. Cảnh sát tìm thấy trong người nạn nhân có một lá thư tuyệt mệnh và một vé lô tô. Nội dung lá thư cho thấy, Cường muốn để lại di sản cho bà mẹ.”

Cảnh sát cũng thông báo đến Nghị Viên Tyler Diệp rằng: “Ðây là một sinh viên Việt du học, có ít bạn, không thích giao du và không có dấu hiệu uống rượu hay dùng ma túy trong quá khứ.”

Ðược hỏi về kinh nghiệm đối với sinh viên, Giáo Sư Phạm Thị Huê, khoa trưởng phụ trách về cố vấn (Counseling) của Ðại Học OCC, nói với Người Việt: “Tôi tiếp xúc với nhiều du học sinh từ Việt Nam sang học tại Ðại Học Orange Coast (OCC). Ða số chỉ cần cố vấn về chương trình học. Ít thấy các em than về mặt tinh thần.”

Giáo Sư Huê nói thêm: “Trước khi cho con em đi du học tại OCC, phụ huynh ở Việt Nam đều biết rằng họ phải đủ sức chi trả khoảng $18,000 một năm. Ða số sinh viên trong trường hợp này không tỏ ra gặp khó khăn về tài chánh.”

Qua điện thoại, bà Janelle Lieton, giám đốc Trung Tâm Sinh Viên Quốc Tế (International Student Center) của Ðại Học Golden West tỏ ra dè dặt khi được hỏi về trường hợp sinh viên Nguyễn Mạnh Cường. Bà nói rằng: “Vì thông tin giới hạn về sinh viên này, chúng tôi không thể xác nhận hoặc từ chối. Tuy nhiên, chúng tôi rất buồn về sự thể đã xảy ra. Hy vọng cảnh sát sẽ điều tra và cho biết nhiều thông tin hơn.”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115249&z=1

Tuesday, May 18, 2010

Du học sinh Việt Nam và tiền người dân Mỹ

Du học sinh Việt Nam và tiền người dân Mỹ
Saturday, May 15, 2010 Bookmark and Share




Em cũng là một du học sinh nên thấy báo Người Việt đăng bài về những người cùng hoàn cảnh với mình em cảm thấy vô cùng hứng thú. (“Sinh viên Việt du học: Những ngả rẽ bất ngờ và ước mơ ở lại Mỹ,” báo Người Việt ngày 13 tháng 5)

Từ lúc qua Mỹ học đến nay, em có rất nhiều bức xúc về luật lệ của Mỹ đối với du học sinh, chủ yếu là xoay quanh vấn đề tiền học. Theo luật của Mỹ, du học sinh phải trả “non-resident” tuition fee, tức là 200 USD cho 1 unit, gần gấp 10 lần tiền học của 1 học sinh bình thường chưa kể các chi phí khác. Lý do bên phía Mỹ đưa ra để “chống chế” cho hành vi “bóc lột” secretly này là “du học sinh không có trả thuế cho nhà nước.”

Nhiều lần em suy nghĩ thì cảm thấy điều này thật quá vô lý. Mỗi lần em mua bất cứ thứ gì dù lớn hay nhỏ, em đều phải trả thuế. Từ 1 cái bánh Hamburger cho đến 1 cốc mỳ ly, tất cả đều có dòng chữ tax ở phía dưới cái receipts. Vì lý tưởng chúng em bỏ lại gia đình, bạn bè và biết bao nhiêu niềm vui để một mình bôn ba trên đất Mỹ. America không thấy được điều này mà hỗ trợ, đã vậy còn tạo thêm nhiều áp lực trên vai chúng em với biết bao nhiêu là luật lệ bắt buộc như health insurance, full-time study và học phí cao ngun ngút.

Aron (13/5/2010)

Tòa soạn trả lời: Xin cám ơn quý độc giả Aron đã góp ý và nêu thắc mắc. Bức thư của Aron nêu lên nhiều điều, xin được giải thích từng điều trong giới hạn kiến thức của mình như sau:

* Về điều kiện bắt buộc học full-time: Nếu du học sinh Việt Nam nhiều khi xem việc đi học là cách để đến Mỹ thì nước Mỹ lại nghĩ ngược lại. Mục tiêu của visa du học sinh (J-1 và F-1) là để qua Mỹ học rồi về lại nước. Vì vậy, visa du học đòi hỏi người sinh viên phải học, chứ không phải làm chuyện khác.

* Về tiền học phí: Tiền học phí thấp cho “in-state resident” của các đại học công lập là học phí dành riêng cho resident của tiểu bang đó. Không chỉ du học sinh, mà sinh viên Mỹ chính gốc mà qua tiểu bang khác học, cũng phải đóng tiền “non-resident” hay thường gọi là tiền học “out-of-state.” Lý do không chỉ vì người sinh viên đó có đóng thuế hay không. Một sinh viên “in-state” mới vào đại học thì chỉ mới 17-18 tuổi, tiền đóng thuế đâu đã bao nhiêu!

Không. Dân “in-state” được đóng tiền ít, theo lý thuyết, là vì không phải chỉ riêng gì cá nhân họ đã đóng thuế, mà cả gia đình họ đã đóng thuế từ hồi nào tới giờ. Không chỉ riêng gì phần sales tax như Aron thường xuyên đóng, mà còn đủ các loại thuế: thuế income tax khi phụ huynh đi làm, thuế property tax trên căn nhà mà gia đình các sinh viên đó đang sống, v.v...

Hơn nữa, nếu một người sinh viên là “in-state” của Illinois chẳng hạn, mà lại cũng học đại học ở Illinois nữa, thì rất có thể sau khi tốt nghiệp người sinh viên đó sẽ ở lại Illinois và tiếp tục đóng góp cho Illinois. Còn sinh viên “out-of-state” thì rất có thể họ học xong lại về đóng góp cho tiểu bang nhà, hay nói chung là biến đâu mất.

Vì rất nhiều lý do như vậy, nên tất cả các trường đại học công lập trên nước Mỹ này đều phân biệt giữa người “in-state” và người “out-of-state” - dù là người Mỹ out-of-state, hay là du học sinh.

Ðại học UC Berkeley chẳng hạn, có trên 20% sinh viên là out-of-state, vừa người Mỹ từ tiểu bang khác tới (Berkeley là trường xịn mà!), vừa người du học sinh nước ngoài. Tất cả đều trả học phí cao như nhau.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112995&z=135

Wednesday, May 12, 2010

Những ngả rẽ bất ngờ và ước mơ ở lại Mỹ

Những ngả rẽ bất ngờ và ước mơ ở lại Mỹ
Wednesday, May 12, 2010 Bookmark and Share


Sinh viên Việt du học Mỹ, 'ngó dzậy mà không phải dzậy'

Kỳ cuối


Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Ði du học là để có cơ hội mở rộng hơn ở tương lai,” “Ði du học để có thể kiếm thêm tiền phụ gia đình,” “Ði du học là chấp nhận sự liều lĩnh,” “Ði du học là để có cơ hội trưởng thành, lớn lên.” Ðó là lý do của một số sinh viên Việt Nam đang du học tự túc tại các trường đại học cộng đồng ở Orange County, California.

Với những lý do như vậy, không cần gia đình nào thực sự giàu có hay chỉ có gia đình “con ông cháu cha” mới có thể cho con em đi du học. Họ chấp nhận vay mượn, thậm chí cả bán nhà, để đầu tư vào chuyện học hành với hy vọng có một sự “đổi đời” cho con em họ về sau.

Nhiều du học sinh chỉ được gia đình hỗ trợ cho chi phí sang Mỹ hoặc thêm vài ba tháng đầu, sau đó, tự mỗi em sẽ xoay sở để tìm cách tự lập. Chính vì vậy, có nhiều sự thay đổi đã diễn ra không hề nằm trong dự tính của các du học sinh, kể cả ý định sẽ ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp.

Những điều không như dự tính

“Lúc còn ở Việt Nam cứ nghĩ qua đây có bác, sẽ ở nhà bác, mình đi làm được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu bác sẽ phụ cho tiền đóng tiền học. Thế nhưng hoàn cảnh thực tế đâu cho phép bác giúp em như vậy.” Ngọc Thi kể về những điều không lường trước của mình.

“Bác cho em cái xe chạy đi học đi làm là em mừng lắm rồi. Còn nhà bác là 'housing' nên dù có muốn cũng đâu thể cho em ở được.” Cũng may mắn cho Thi ở chỗ, là sau thời gian chạy tới chạy lui kiếm chỗ ở hoài, thì gia đình mà Thi làm công việc “babysit” đã cho Thi một chỗ ở không lấy tiền. “Cũng nhờ vậy mà em mới có thể đủ tiền trang trải cho chuyện học.”



Khoa Trần, một sinh viên du học, nói rằng: “Nhiều gia đình không thực sự giàu có nhưng cũng ráng cầm cự cho con đi du học, một sự liều lĩnh.”
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Không chỉ phải tự lo cho bản thân nơi đây, mà Thi còn mang nặng tâm trạng phải lo cho gia đình ở Việt Nam.

Tôi hỏi Thi, “Làm sao em có tiền để gửi về cho bố mẹ?”

“Khi đi làm, chỉ để ra đủ tiền đóng tiền học, còn lại dư ra một chút nào em lại nhờ bác chuyển về nhà cho bố mẹ và các em, nhất là vào dịp Tết và đầu năm học.”

“Sao lại phải nhờ bác gửi?” Tôi hỏi và nghe giọng Thi như chực khóc: “Nếu em gửi thì sợ bên nhà nghĩ rằng em có tiền, mà em thì có tiền gì đâu, thực tình là em chẳng có dư đồng nào hết. Nên cứ để bác mang danh bác mà gửi về cho bố mẹ. Có một trăm em gửi một trăm, có năm chục em gửi năm chục, đôi khi có hai chục em cũng gửi.”

“Em có nói cho nhà biết là bên này em kiếm tiền rất khó không?”

“Không hiểu đâu chị ơi. Không hiểu đâu. Bố mẹ và cậu dì cứ nghĩ là em sang đi làm là có tiền liền, có tiền nhiều. Họ cứ nói sao hàng xóm nó đi, tiền nó gửi về hàng ngàn. Mà trời đất ơi, mình đi học, rồi đóng tiền học, tiền tùm lum, mà cứ giải thích nhiều lần cũng không có ai hiểu hết. Khi nhà có khó khăn lại gọi sang cho em, mà thực tình em có tiền đâu. Thành ra cực khổ gì ở đây em cũng chẳng dám than, chẳng dám nói gì hết.”

“Em biết có khó khăn lắm thì mẹ mới gọi đến em, nên hễ có bao nhiêu là em gửi hết. Một chút cũng có thể kham được trong lúc khó khăn.”

Thi giãi bày: “Mỗi lần gọi cho mẹ là mỗi lần mẹ khóc, mẹ than, em lại không có tiền nên từ Tết đến giờ em không dám gọi về nhà. Em chỉ lén hỏi thăm qua bác và gọi lén cho đứa em để biết tình hình ở nhà thôi.”

“Hy vọng vài năm nữa sẽ đỡ hơn.” Thi cười hy vọng.


Sân trường đại học cộng đồng Golden West College, California, nơi có đông đảo sinh viên du học từ Việt Nam sang.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Những hoàn cảnh như Thi không phải là hiếm, nhưng những hoàn cảnh “ngược lại,” cũng không thiếu. Một người gốc Việt làm cho một đại học cộng đồng nói rằng, tại trường của ông, đến 95% du học sinh Việt Nam không thể tốt nghiệp. Các sinh viên này đến học, học không nổi, nhưng nhà giàu nên không thèm quan tâm, đến khi về nước chỉ có mỗi... bằng lái xe.

Có những “diện” học bổng khác để sang Mỹ, là đi theo tiền của nhà nước Việt Nam. Không thiếu những người học giỏi, và cũng không hề thiếu những người học hoài, học miết, mà không qua được các lớp Anh ngữ. Một sinh viên du học kể về trường hợp anh biết tại một trường đại học cộng đồng ở San Diego. Một sinh viên lớn tuổi, đi theo “diện học bổng” của nhà nước Việt Nam. “Phải nói là ông này không thiếu tiền. Ông mướn căn phòng riêng trong một gia đình Mỹ, tiền nhà trả khá cao, lại mướn riêng giáo viên về dạy Anh văn cho mình.”

Trong khi các sinh viên “con nhà nghèo” khác nai lưng ra vừa đi học, vừa đi làm, “ông sinh viên” lớn tuổi đã không qua được các khóa tiếng Anh, và đành về lại Việt Nam.

Trở lại với những sinh viên du học có hoàn cảnh khó khăn. Cô Quỳnh Anh, một sinh viên du học tại quận Cam, nói mỗi tháng ba mẹ cô giúp cho khoảng một phần ba số tiền học. Nhờ đi làm thêm, Quỳnh Anh để dành được tiền mua vé về Việt Nam thăm ba mẹ một lần.

“Ai cũng khen em hết. Mọi người nói em qua đây một mình, tự lập, đi làm và đi học, còn mua được vé về, còn mang tiền cho mẹ nữa.” Quỳnh Anh cười khúc khích.

Tôi hỏi nhỏ: “Em cho mẹ được bao nhiêu?”

Tiếng Quỳnh Anh cười bẽn lẽn: “Dạ có năm trăm à.”

Với Hưng Lê thì những dự tính lúc đầu trước khi du học và thực tế cũng khác hẳn nhau. “Lúc đầu ở nhà tính là sang đây sẽ ở nhà người quen. Nhưng chỉ được một thời gian thì với nhiều lý do, em phải kiếm chỗ ở khác. Thành ra những chi phí dôi ra cho khoảng tiền thuê nhà, gas, điện, nước là không có trong dự tính lúc đầu.”

May mắn là chỉ sau hai tháng bỡ ngỡ, Hưng đã tìm được việc làm thêm, dù là làm “chui,” để có tiền trang trải nhiều khoản chi phí, và không phải xin thêm tiền gia đình.

Khó khăn với nhiều thứ như vậy nhưng Ngọc Thi, Quỳnh Anh, Hưng Lê và Khoa Trần đều cho rằng mình may mắn hơn một số bạn bè du học khác.

Quỳnh Anh chia sẻ: “Em thấy mình may mắn vì vẫn còn được đi học. Có một vài bạn em biết do gia đình không gửi tiền sang, hoặc họ không dự trù được hết cuộc sống ở đây nên cứ phải đóng tiền học ESL, rồi bỏ học đi làm.”

“Một số bạn qua đây không phải vì mục đích chính là học mà là để kiếm tiền nên cứ kiếm trường nào thật dễ để nhận được visa du học, rồi sau đó lại kiếm những trường 'ma' nào đó mà chỉ cần đóng tiền chứ không cần tới lớp, để gia hạn visa. Xong họ đi làm nail, là nhà hàng kiếm tiền và tìm cơ hội ở lại.” Khoa kể câu chuyện một số bạn bè chung quanh.

Học xong đều mong ‘ở lại Mỹ’

Khó khăn và nhiều thử thách đối với những sinh viên du học tự túc không thuộc diện con nhà giàu hay “con ông cháu cha,” thế nhưng những sinh viên mà tôi biết đều không hề có ý định bỏ cuộc sự nghiệp học hành của mình.

“Mùa Thu tới đây em sẽ chuyển lên Ðại Học Fullerton. Em muốn học cho nhanh. Tuổi em đúng ra theo kế hoạch ban đầu đã phải học xong master rồi.” Khoa tự tin nói về hướng sắp tới của mình. “Khi lên đại học, em sẽ phải cần nhiều sự giúp đỡ tài chánh của gia đình, bởi em vừa phải giảm giờ làm lo cho việc học, mà học phí đại học lại quá cao.”

Không lạc quan như Khoa Trần, sau 3 năm học ở Santa Ana College, Ngọc Thi chưa dám chắc bao giờ mình mới có thể chuyển tiếp lên hệ đại học.

Thi nói bằng giọng thật buồn: “Ở college thì em còn lo được chứ 'transfer' thì làm sao em có đủ tiền để đóng tiền học. Ðúng lý ra thì mùa Thu tới đây đã có thể 'transfer' rồi nhưng chưa nghĩ ra cách gì có tiền đi học tiếp nên thôi ráng ở lại college thêm mùa nữa, khi nào có đủ tiền thì vào Cal State chứ cũng không dám mơ vô university như trước đây em từng mơ.”

Có điều dù đi học full-time - điều kiện bắt buộc đối với du học sinh, và đi làm 40 giờ một tuần, “cực lắm, cuối tuần không có thời gian nghĩ nữa, nhưng khi mình đã muốn thì mình cũng sắp xếp thời gian làm được hết, em vẫn sinh hoạt trong ca đoàn, vẫn tham gia Sinh Viên Công Giáo, vẫn 'enjoy' mọi thứ,” giọng Thi lại trong vắt tiếng cười.

Hưng Lê thì dự tính lúc đầu sẽ học tiếp ngành em đang theo học ở Việt Nam là “Bio Technology.” Nhưng “vì thời gian học không phù hợp,” sau một năm du học, Hưng lại có ý định chuyển sang học ngành dược, rồi lại loay hoay với ý định học “nurse.” Tuy nhiên, sau tất cả mọi dự định thì “mùa học tới em sẽ 'transfer' vào ngành 'business.' Ðó là lựa chọn cuối cùng của em.”

Quỳnh Anh thì dự định học y tá. Nhưng “em vừa thấy mình có máu kinh doanh giống ba, vừa cũng thích nói chuyện và giúp đỡ người bệnh nữa. Nên bây giờ em cũng chưa quyết định sẽ học cái gì, vẫn tập trung học những môn chung trước.”

Do nhiều yếu tố, hầu hết các du học sinh đều không theo đúng với những gì mình suy nghĩ và dự tính lúc đầu. Thời gian phải bỏ ra cho việc học để lấy được một tấm bằng nào đó bao giờ cũng lâu hơn kế hoạch ban đầu, bởi nhiều lý do về tài chánh hoặc ngành học không phù hợp. Có điều, sau khi học xong “sẽ ở lại tìm việc làm ở Mỹ” là quyết định của tất cả các du học sinh này.

“Công sức em đổ ra quá nhiều rồi, em muốn lấy lại những gì em đã đánh đổi. Nếu em về Việt Nam, thì có đi làm cả đời em cũng không thể nào lấy lại được những gì em đã bỏ ra,” Ngọc Thi nói dứt khoát. Xa nhà đã ba năm, muốn nhưng chưa có điều kiện về thăm nhà, nên học xong sẽ về Việt Nam thăm gia đình cũng là dự tính của Thi.

“Học xong em sẽ ở lại tìm việc làm, có điều làm gì thì em chưa biết.” Quỳnh Anh cười cho biết.

Hưng Lê ước mơ: “Sau khi tốt nghiệp, em muốn có cơ hội ở lại Mỹ làm việc. Em thích cuộc sống ở đây. Ở đây không cần phải giàu, chỉ cần biết tằn tiện, tiết kiệm vừa phải thì mình cũng như bao người khác, an tâm với cuộc sống.”

Tôi hỏi Khoa: “Tại sao hầu hết du học sinh đều muốn ở lại Mỹ sau khi ra trường vậy?”

Khoa nhìn tôi cười, có lẽ em đang nghĩ tôi có cần không một câu hỏi “ngớ ngẩn” đến vậy.

Khoa nói, “Về tình cảm cá nhân, gia đình, bạn bè thì em thích ở Việt Nam hơn, bởi dẫu sao mình sống ở đó nhiều hơn, gia đình, bố mẹ, anh chị, bạn bè, tất cả đều ở đó. Nhưng cuộc sống ở Mỹ đâu ra đó, luật pháp, xã hội đâu ra đó, nên mình 'feel' được cái tự do của mình, thấy sống thoải mái, nên em thích sống ở Mỹ.”

Khoa khẳng định, “Em sẽ ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học để đi làm hoặc để học lên tiếp.”

(Bài có sự đóng góp thông tin của phóng viên Ðông Bàn)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112822&z=1


Sinh viên du học tại Mỹ, 'ngó dzậy mà không phải dzậy'
Sunday, May 09, 2010 Bookmark and Share


Một thành phần du học, nhiều hoàn cảnh xuất thân

Kỳ I

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Người ta hay nói, sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ là 'con ông cháu cha,' nhiều tiền lắm của, chỉ lo ăn chơi, em nghĩ điều đó có đúng không?” tôi hỏi Khoa Trần, sinh viên một trường đại học cộng đồng ở Orange County, California.

“Ðó là nhận xét hoàn toàn không đúng,” Khoa trả lời lập tức. “Trong 10 đứa học sinh Việt Nam thì hết 9 đứa rưỡi đã mơ ước được qua Mỹ học, không cần là giàu nghèo, là con ông cháu cha hay không.”

Câu chuyện về đề tài “Sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ có phải là kẻ nhiều tiền lắm của?” bắt đầu như thế.

Du học tự túc là “một sự liều lĩnh”

“Tốt nghiệp đại học, đang đi làm, tự dưng nảy ra ý muốn đi du học. Thế là em cùng với ba xách xe chạy đi hỏi cách thức làm giấy tờ đi du học ra làm sao.” Khoa nhớ lại.

Thống kê của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Số F-1 visa cấp cho sinh viên, học sinh Việt Nam:

Tài khóa 2006: 3,718

Tài khóa 2007: 6,152

Tài khóa 2008: 9,216

Từ năm 2006 tới 2008, Việt Nam nhảy từ hạng 14 về số visa F-1, lên tới hạng 7, cao hơn Pháp, Anh, Thái Lan, Nga, Hong Kong...

“Em đi du học khi vừa học xong năm thứ nhất Ðại Học Bách Khoa,” Hưng Lê, một sinh viên du học khác, cho biết.

Lý do Hưng đi du học vì “thấy có nhiều bạn bè đi, em cũng muốn ‘cạnh tranh’ nên xin ba mẹ cho đi. Thêm vào đó em hiểu rằng nếu em được đi du học thì cơ hội mở rộng hơn cho em ở tương lai.”

Hưng nói: “Nhiều người nghĩ đi du học là gia đình phải thực sự giàu có, nhưng thực tế không phải vậy.” Theo Hưng, nhiều người chấp nhận đầu tư vào việc học cho con, vì tương lai của con cái nên thậm chí “bố mẹ có thể bán nhà cho con đi du học.”

Với con số hơn 10,000 du học sinh hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ theo nhiều chương trình khác nhau, Việt Nam trở thành một trong 10 nước có số sinh viên du học đông nhất tại Hoa Kỳ.

Chính sách bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng mở rộng, việc du học Hoa Kỳ “dễ thở” hơn đôi chút so với quá khứ, khiến cho giấc mơ “du học tại Mỹ” trở nên thôi thúc hơn đối với sinh viên học sinh Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ theo nhiều cách khác nhau: theo diện học bổng, theo diện trao đổi văn hóa, và nhiều hơn hết là du học tự túc.

Chính vì lý do chuyện đi du học tự túc dễ dàng hơn, đời sống kinh tế cũng có phần khá hơn nên không phải chỉ có “con ông cháu cha” hay những kẻ “nhiều tiền lắm của” mới có thể cho con mình đi du học ở Mỹ.

Khoa nhận xét: “Nhiều gia đình không thực sự giàu có, nhưng họ cũng ráng cầm cự để lo cho con đi du học tự túc. Thậm chí là cả liều lĩnh nữa, như bản thân em cũng là một sự liều lĩnh. Em nghĩ, kệ, qua được thì cứ qua, học cái đã, kiếm tiền cái đã. Nghĩ vậy mà đi. Còn ai đó cho rằng tất cả du học sinh sang đây là phải giàu có thì không đúng đâu.”

Hiển nhiên, không phải tất cả du học sinh qua đây đều giàu có, nhưng không thể phủ nhận, có những trường hợp “lắm tiền lắm bạc” đến khó hiểu.



Cô sinh viên du học này làm cho một nhà hàng ở Little Saigon, nhận tiền mặt,
để trang trải chi phí trong thời gian đi học tại một đại học cộng đồng ở quận Cam, California. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Một sinh viên Mỹ gốc Việt, không nêu tên, kể rằng: “Ðám bạn cháu con nhà giàu ở Việt Nam qua Mỹ du học, chúng nó có học hành gì đâu. Chúng nó mang theo một đống tiền, qua đây dùng tiền mặt mua nhà rồi bán lại và cho vay với 20 phân lời. Chúng nó đã mua mấy căn ở Fountain Valley.”

Sinh viên du học này đưa thân nhân của một sinh viên gốc Việt, đến thăm và “khoe” căn nhà riêng của anh ta tại La Mirada. Sinh viên này cho biết: “Nhà mua bằng tiền mặt, tọa lạc trong khu có cổng an ninh, rộng gần bốn ngàn square feet, có hồ bơi.” Anh ta nói: “Bố mẹ cháu chuyển tiền sang và cháu trả đứt luôn, chứ hơi đâu mà mượn tiền ngân hàng.”

Cô Bích Ngọc, hiện làm y tá ở một bệnh viện tại quận Cam, cho biết, cô “tìm mua một căn nhà muốn hụt hơi.”

“Từ nửa năm qua, cứ tìm được căn nào vừa ý nằm trong học khu Fountain Valley thì y như rằng, căn nhà đã được bán... bằng tiền mặt cho người gốc Việt.” Cô Ngọc sau đó tìm hiểu thì biết được người mua là sinh viên từ Việt Nam sang. Cô thắc mắc, “không biết ở đâu ra mà những người này lắm tiền thế.”

Lắm tiền lắm bạc là như vậy, nhưng có những sinh viên khác, như câu chuyện của Ngọc Thi dưới đây, thì lý do du học “rất lạ.”

Ngọc Thi, đang học năm thứ hai tại Santa Ana College, ở quận Cam, California, cho biết: “Em đi du học khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Hóa, trường Ðại Học Bách Khoa. Khi đó cậu và dì thấy em có khả năng học được, nếu em đi du học sau này có tương lai hơn để giúp đỡ gia đình em, nên cậu và dì lo tiền cho em đi.” Thi kể.

Thế nhưng, lý do chính để Thi có mặt tại xứ sở giàu có bậc nhất thế giới này là vì “mọi người ở nhà ai cũng nghĩ rằng em sang đây sẽ kiếm tiền gửi về được ngay.” Thi nói như than.

Riêng với Quỳnh Anh, sinh viên Golden West College, ở quận Cam, California, thì lý do đi du học là vì “ở trong nhà hoài thì sẽ chẳng bao giờ lớn lên được.” Cho nên, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Quỳnh Anh xin ba mẹ cho đi du học, dù “lúc đầu ba mẹ không cho, vì em là con gái út,” cô bé chỉ vừa 20 kể.

1001 lý do “du học tự túc“

Ðược đi du học Mỹ là niềm tự hào và hãnh diện của học sinh, sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, không ai trong số những du học sinh tự túc mà chúng tôi gặp gỡ lại không biết trước những khó khăn mà họ sẽ phải đối diện khi xa nhà. Có điều, giữa “nghe nói” và “thực tế” vẫn là một khoảng cách.

“Trước khi em qua Mỹ, những người quen ở đây về nói là học ở Mỹ dễ lắm, tiền học rẻ, đi học lại có thêm khoản tiền này tiền kia, kiếm việc làm thêm cũng dễ. Nhưng những người đi trước cho em biết, sinh viên du học không được phép đi làm, học phí đóng rất mắc, rồi sẽ có những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, này nọ.” Khoa Trần kể.

Nếu một cư dân địa phương ở California chỉ phải đóng $26 cho một 'unit' ở các trường đại học cộng đồng, và được hưởng thêm các khoảng tiền sách vở, tiền hỗ trợ đi học, có thể mượn tiền chính phủ,... thì du học sinh phải đóng hơn $200 cho một 'unit,' cùng tiền bảo hiểm sức khỏe và không được hưởng thêm những sự hỗ trợ tài chánh nào khác của chính phủ Hoa Kỳ.

Nghe thì nghe vậy, nhưng “chí nam nhi” thôi thúc Khoa “cứ muốn đi. Bởi, được đi học ở Mỹ là điều quá hấp dẫn, kế nữa là muốn thử thách mình, chứ ở yên hoài một chỗ thì cũng chẳng biết sao.”



Golden West College, một trong những đại học cộng đồng tại quận Cam, California,
thu nhận khá đông sinh viên du học từ Việt Nam sang. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Ðối diện với cuộc sống thực tế, sau hơn ba năm du học, Khoa cho rằng nhiều lúc mình cũng bị “áp lực,” bị trầm uất, có lúc “cực kỳ thất vọng,” nhưng “mỗi lần trải qua những chuyện như vậy thì em lại tự nhủ, có như thế mình mới khá lên được.” Khoa cười khi nói về kinh nghiệm đối diện với những khó khăn của mình.

Cô “con gái út” Quỳnh Anh cũng vậy.

“Không,” là câu mà Quỳnh Anh trả lời khi tôi hỏi: “Có bao giờ em phải suy nghĩ nhiều về chuyện cực khổ khi đi du học không?”

Quỳnh Anh tâm sự: “Em nghĩ đó là chuyện em phải trải qua khi đi du học. Chứ nếu cứ nghĩ sang đây đi học mà cũng đầy đủ, sung sướng như khi ở nhà với ba mẹ thì có lẽ sẽ không bao giờ bước chân ra đường tự sống được hết.”

Trải qua ba năm rưỡi sống đời du học sinh, Hưng cũng có nhận xét “thực tế khác nhiều với suy nghĩ trước khi sang đây.” Hưng cho rằng “có cái tốt, có cái chưa tốt,” nhưng “học được nhiều điều tốt hơn” là điều Hưng cảm thấy hài lòng trong những năm tháng qua.

“Em có thể làm nhiều chuyện theo những gì em nghĩ, chủ động trong cuộc sống, biết sống cuộc sống tự lập, biết nấu ăn, giặt giũ, biết làm ra tiền và quí trọng đồng tiền do chính mình làm ra.” Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, Ngọc Thi, vừa đi học toàn thời gian (full-time), vừa đi làm 40 tiếng một tuần, trút nỗi niềm: “Em đã hình dung trước là gia đình không có khả năng lo cho em học đến nơi đến chốn, cũng nghĩ là sang đây em phải tự nắm lấy cuộc sống để trang trải. Nhưng em không hề nghĩ là tương lai mờ mịt như thế.”

Khó khăn chính mà Ngọc Thi đối đầu, không phải là chuyện tự lo tất cả cho mình, mà lại là “áp lực phải kiếm tiền gửi về cho gia đình, phụ ba mẹ nuôi bảy em nhỏ còn đang ở tuổi ăn học.”

Ngọc Thi cười buồn: “Ai cũng mong em sang đây đi làm kiếm tiền, họ không nghĩ rằng em lại cứ đâm đầu đi học như vậy.”

“Nhưng em cũng không hề hối hận là đã quyết định đi du học đâu. Cuộc sống em như vầy em cũng thích, bởi em làm được nhiều việc, không quản ngại gì hết, đến đâu hay đến đó.” Ngọc Thi nói cương quyết.

Với Hưng Lê thì “chỉ có thời gian khoảng ba tháng đầu là gia đình chu cấp tiền bạc, còn lại từ bấy đến giờ, đã hơn ba năm, mọi chi phí em tự lo hết bằng việc đi làm thêm ngoài giờ lên lớp.”

Vừa đi làm, vừa đi học “full-time”

$1,500 là khoản tiền tối thiểu mà cả Khoa, Thi, Hưng và Quỳnh Anh đều cho rằng mình cần phải có để chi phí cho chuyện học hành, ăn ở và tất cả các sinh hoạt khác trong một tháng. “Và phải đi bằng xe bus,” Khoa nói thêm.

“Em được bố mẹ cho bao nhiêu trong số đó?” tôi hỏi Ngọc Thi.

“Em không được đồng nào hết,” Thi nói liền không cần đắn đo.

Nhà Thi có tám chị em, Thi là con đầu. Bố mẹ chẳng khá giả như người ta thường nghĩ về những gia đình có con đi du học tự túc. Ngọc Thi được họ hàng lo cho đi du học với mục đích “kiếm tiền gửi về lo cho gia đình.”

Thế nhưng Thi lại rất mê học. “Từ lúc qua tới giờ em chưa bỏ mùa học nào, những khi nào có dư tiền thì mùa hè em cũng đóng tiền học luôn.” Thi khoe.

“Vậy tiền đâu học?”

“Em đi dạy kèm Toán, Hóa, làm 'babysit' em bé hai ngày cuối tuần, làm thêm những việc khác trong trường, trong phòng thí nghiệm. Có những chương trình làm 75 tiếng, nguyên mùa học, được trả $500. Có việc gì em làm việc đó.” Thi hào hứng kể chuyện bằng cách nào em có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống của một du học sinh không có sự trợ giúp nào từ gia đình.

Xoay sở với đủ việc như vậy nhưng Ngọc Thi luôn giữ vững bảng điểm 4.0 của mình. “Em phải cố gắng học cho tốt để có thể mạnh dạn nói với thầy là bất cứ lúc nào, bất cứ công việc gì thầy có thì cứ gọi cho em làm.”

Chính sự cần mẫn đó mà Ngọc Thi cho rằng mình “may mắn có được công việc làm ở trường đã bốn mùa rồi.”

May mắn hơn Ngọc Thi, trung bình mỗi tháng Quỳnh Anh cũng được “ba mẹ cho vài trăm,” nhưng “tự xoay sở vẫn là chính.”

Ngoài giờ học, Quỳnh Anh kiếm việc làm thêm ở một quán ăn. “Em được chủ trả cho $6.5/giờ. Tiền 'tip' được nhận nhưng rất ít, bởi chia cho nhiều người trong bếp, rồi chủ cũng lấy nên chỉ được chừng vài chục cents một giờ thôi.”

Quỳnh Anh kể: “Lúc em mới sang du học thì ở chung với gia đình cậu, và không ai muốn em đi làm thêm, bởi sang đây là đi học chứ không phải đi làm. Thế nhưng chỉ được chừng một năm thì gia đình em gặp khó khăn, nên em đi kiếm việc. Cũng không thấy gì là bỡ ngỡ hay lạ lẫm gì khi đi làm thêm hết.” Quỳnh Anh hồn nhiên kể. “Mặc dù lúc ở nhà, gia đình có người giúp việc nên em chẳng phải làm gì.”

Theo Quỳnh Anh, ba mẹ em, cũng như bao phụ huynh khác, khi biết tin con mình phải bươn chải kiếm tiền ăn học thì “xót lắm.” Em kể, “Lúc nhà hàng thiếu người, em phải đi làm nhiều, nên lúc gọi điện thoại về cho ba mẹ, lúc nào em cũng mệt hết. Ba em xót lắm, nói em không cần phải làm nhiều như vậy, khi nào thiếu tiền thì nói để ba gửi qua.”

Quỳnh Anh trầm giọng: “Nhưng em biết ba em đâu có tiền, ba cũng phải đi mượn của người ta thôi, mượn thì phải trả. Nên em không có nói.”

Trường hợp của Khoa Trần cũng tương tự. Do đã để dành được ít tiền lúc đi làm ở Việt Nam, thêm bố mẹ và anh chị giúp, Khoa đủ tiền sang Mỹ học cho mùa đầu.

“Nếu học college mà siêng siêng đi làm thêm thì tự chi phí cũng đủ. Nhưng xui cho em là lúc đó kinh tế Mỹ xuống dốc, em đang có chân làm bồi bàn thì mất việc, lại phải kiếm những công việc lẹt xẹt khác để làm, cũng chỉ đủ ăn.”

“Gia đình em hỗ trợ em nhiều không?” tôi nhắc lại câu hỏi này với Khoa.

“Tính ra gia đình đã giúp em rất nhiều, tuy không thường xuyên, đều đặn. Khi em có việc làm đủ tiền thì em không xin nhà, khi túng quá la làng lên thì ba mẹ cũng sẽ tìm cách gửi qua cho. Nhưng thực sự trong thâm tâm em vẫn muốn tự lo cho bản thân mình.”

(Bài có sự đóng góp thông tin của phóng viên Ðinh Quang Anh Thái)

(Kỳ sau: Du học, những ngả rẽ bất ngờ và ước mơ ở lại nước Mỹ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112754&z=1